Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Chuyện Cứu trợ: DÂN CỨU LẤY DÂN !

MC Phan Anh (người cầm loa) đang có mặt tại xã Mai Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình,
trao quà cứu trợ. Ảnh: FB

Chuyện cứu trợ: Quả bóng trách nhiệm với dân cuối cùng lại được đá trở về cho dân

Nguyễn Thị Oanh
20-10-2016

CHUYỆN CỨU TRỢ 

Hôm qua, cô Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo người Canada của hệ thống trường hối hả chạy đi kiếm tôi chỉ để hỏi ba câu: 1/Cần quyên góp cái gì để cứu trợ cho bà con vùng lũ? 2/ Địa chỉ để cứu trợ là ở đâu (tất nhiên là miền Trung, nhưng tỉnh, huyện, xã, làng nào hay là trường học nào…)? 3/ Sẽ chuyển hàng cứu trợ cho bà con bằng cách nào? Dù rất gấp do thầy trò ở các trường chỉ vừa quay trở lại hôm thứ Hai sau kỳ nghỉ Thu nên giờ mới có thể bắt đầu phát động quyên góp, nhưng các thầy cô hiệu trưởng vẫn nhất định phải có đủ những thông tin cụ thể, cần thiết thì mới gửi thư về cho phụ huynh để đợt vận động cứu trợ có hiệu quả.

Nghe các câu hỏi của cô Chủ tịch, tôi cũng ngẩn người bối rối… Mọi năm trước, đối với chương trình cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt, cộng đồng trường vẫn thường quyên góp thực phẩm, quần áo, chăn màn… và gửi tới bà con thông qua UBMTTQ Thành phố. Năm nay, không phải tự nhiên cô Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo hỏi tôi như thế, bởi ngay từ hôm qua, khi biết trường chuẩn bị phát động đợt quyên góp “đến hẹn lại lên” cho đồng bào miền Trung, đã có nhiều giáo viên, nhân viên và cả phụ huynh đề nghị phải tổ chức mang ra tận nơi cho bà con chứ không thông qua các cơ quan, đoàn thể của Nhà nước nữa (Mặt khác, đọc tin tức về các đợt cứu trợ, thấy tình hình thực phẩm, quần áo, chăn màn… hỗ trợ cho bà con đã khá nhiều rồi (nhất là mì tôm). Vì vậy, mọi người đều băn khoăn là phải làm sao tìm được các nguồn thông tin tham khảo chính xác để giúp được bà con những thứ đang thật sự cần…

Thế là cả ngày hôm qua toàn loay hoay nhắn tin, gọi điện tùm lum cho bạn bè. Bạn làm báo, bạn FB, bạn cũ quê miền Trung… chỉ để hỏi nên giúp gì thiết thực cho bà con ngoài đó? Nhưng mà rồi cũng “chín người mười ý” làm phân vân quá… May nhờ bạn Lâm Nguyễn gửi cho đường link này vào xem cẩm nang cứu trợ của anh Cu Làng Cát. Rồi đọc được thêm nhiều ý kiến khác của những người đang tham gia cứu trợ trực tiếp trên mạng. Cuối cùng tôi góp ý với các thầy cô là nên phát động quyên góp sách vở, dụng cụ học tập, quần áo trẻ em và tiền để tặng cho các gia đình.

Thế là đã quyết định lên được danh sách các loại hàng cần cứu trợ. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi quyết định sẽ quyên tiền và gửi tiền trực tiếp cho những người cần giúp đỡ, bởi trước nay, quan điểm cứu trợ của trường là chỉ giúp thực phẩm hoặc những vật dụng thiết thực cho cuộc sống mà bà con đang cần và thiếu chứ không giúp tiền. Nhưng lần này, theo lời khuyên của anh Cu Làng Cát và nhiều bạn khác, cộng đồng trường tự tin quyết định sẽ quyên tiền và đặt chỉ tiêu hỗ trợ 50 hộ gia đình ở vùng lụt nặng nhất của Quảng Bình, mỗi hộ 10 triệu đồng.

Nếu may mắn quyên đủ trước ngày 29/10 thì sẽ mang ra Quảng Bình trao tặng cùng hiện vật luôn. Nếu chưa đủ thì ngày 29 này, hệ thống trường vẫn cử một đoàn mang hiện vật đi ra “ngoài nớ” trước, khi nào có đủ 500 triệu đồng thì sẽ chuyển tiếp đợt 2. Vì mục tiêu là hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống một cách lâu dài nên không có gì phải lo trễ. Và việc đùm bọc nhau thì cũng không lúc nào là muộn, phải không các bạn?

***

Kể chuyện cứu trợ của chúng tôi không phải để khoe mà để thấy một nghịch lý đáng buồn: Càng ngày càng thiếu vắng vai trò của các tổ chức, cơ quan Nhà nước trong những hoạt động quyên góp vì cộng đồng thế này! Cứ xem thử trên mạng thì thấy!

Mỗi khi xảy ra thiên tai hoặc có các trường hợp thương tâm cần cứu giúp, có rất nhiều nhóm thiện nguyện đã được người dân tự thành lập và tự kết nối với nhau. Các nhóm này thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện công khai tài chính và cập nhật tin tức kịp thời cho mọi người về hoạt động cứu trợ.

Trong cộng đồng mạng cũng chia sẻ nhiều thông tin về những nhóm thiện nguyện có uy tín để các nhà hảo tâm tham gia đóng góp mà không sợ lòng tốt của mình bị xà xẻo… Trước đây, các tổ chức đoàn thể, Hội, UBMTTQ hoặc chính quyền các cấp thường phát huy vai trò rất lớn trong những dịp như thế này. Nhưng giờ thì càng ngày càng bị lu mờ. Căn bệnh tham nhũng kinh niên đã làm cho người dân mất lòng tin vào bộ máy chính quyền ngay cả khi làm việc thiện nguyện :(((.

Ai cũng lo tình cảm và công sức của mình nếu gửi gắm qua tay các tổ chức của chính quyền thì sẽ bị rơi rụng, đục đẽo, mười phần chả biết còn lại bao nhiêu? Bi hài hơn, đáng lý cần nhìn nhận thực tế đó để chấn chỉnh bộ máy của mình, chính quyền lại nhân danh yêu cầu quản lý để cảnh báo người dân không nên trao gửi phần đóng góp của mình cho các cá nhân hoặc tập thể “không đáng tin cậy”. Trên thực tế, chưa thấy có trường hợp nào trong dân lừa gạt nhau để chiếm đoạt tiền, hàng cứu trợ. Trong khi đó, tình trạng bớt xén, ăn chặn các khoản cứu trợ của dân ở các cấp chính quyền địa phương là điều đã và đang xảy ra ở nhiều nơi mà ngay cả báo chí chính thức cũng không ít lần phản ánh.

Một bạn FB đang làm báo đã nhắn tin tâm tư với tôi thế này: “Giá như chính quyền trong sạch để tổng điều phối việc cứu trợ chị nhỉ? Thường sau lũ, chỗ thì cứu trợ chồng cứu trợ, chỗ thì hiếm ai đến, nhất là những nơi xa xôi, khó đi lại…”.

Vâng, đáng ra phải là thế! Đáng ra phải là chính quyền chứ không ai khác có thể nắm quyền chủ động lúc này để giúp dân. Nhưng thật buồn, quả bóng trách nhiệm với dân cuối cùng lại được đá trở về cho dân! Không phải chỉ bởi sự đổ vỡ lòng tin từ chính nhân dân, mà còn vì hình như chính quyền cũng chẳng muốn giữ quả bóng đó! Bằng chứng là những lời kêu gọi đầu tiên và những cuộc vận động cứu trợ hiệu quả nhất hiện nay đều là đến một cách tự phát từ nhân dân. Hình như dân mình cũng đã quá quen với việc tự đùm bọc, chia sẻ cho nhau lúc hoạn nạn mà không hề trông chờ vào đâu!

Tôi ủng hộ và ngưỡng mộ Phan Anh – người đầu tiên trong giới “sâu bít” đã khiến tôi phải quan tâm, nể vì. Bất chấp mọi điều thị phi cũng như những mưu mô đen tối đang bủa vây quanh mình, chàng MC trẻ tuổi đã làm được một điều thật lớn lao và ý nghĩa mà chắc không có tổ chức nào của Nhà nước làm được. Tất cả xuất phát từ LÒNG TIN và UY TÍN. Hai điều này không dễ có được, và hễ đã mất đi thì cũng rất khó có thể lấy lại!

Câu chuyện cứu trợ, vì thế, không đơn giản chỉ là chuyện cứu trợ… 
 

3 nhận xét :

  1. Đất nước may còn có những Phan Anh.
    Mong sao có nhiều Phan Anh!
    Cảm ơn MC Phan Anh!

    Trả lờiXóa
  2. Nghĩ cho cùng, chuyện cứu trợ nên để cho xã hội tự làm thì hay hơn.
    Ban với bệ chính quyền chỉ tốn tiền thuế của dân lại ù lì, chỉ đạo nhiều nấc thành ra vừa tốn kém, chậm chạp, vừa thiếu hiệu quả.
    Ở nhiều quốc gia, hội Chữ thập đỏ là một tổ chức dân sự tự lập nên họ làm được việc, trong khi ở ta lại là một bộ phận của chính quyền, của đảng nên thoái hóa lắm .

    Trả lờiXóa
  3. Đã có thống kê về sự "thất thoát" tiền cứu trợ thông qua các tổ chức của chính phủ, đó là 10 đồng dân đóng góp thì chỉ có 1 đồng đến được tay người bị nạn. Một con số lạnh lùng nhưng cũng rất ý nghĩa.

    Trả lờiXóa